67 năm thành lập và trưởng thành của Đảng bộ xã Hoằng Lộc (25/10/1953 – 25/10/2020)

Đăng lúc: 09:17:07 02/12/2020 (GMT+7)

          Hoằng Lộc là một xã có bề dày lịch sử, văn hoá, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều người con ưu tú của quê hương do sẵn có tinh thần yêu nước đã ra đi hoạt động cách mạng và tìm đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mac Lê Nin, trở thành những người đặt nền móng đầu tiên cho phong trào yêu nước, phong trào cộng sản ở Hoằng Hoá nói chung và Hoằng Lộc nói riêng.

Rời quê hương vào Sài Gòn và sang Quảng Châu( trung Quốc), năm 1926 đ/c Lê Mạnh Trinh tham gia lớp tập huấn chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách. Sau lớp học đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau đó đồng chí được phân công sang Thái Lan hoạt động. Tháng 4/1930 đồng chí Lê Mạnh Trinh được kết nạp vào đảng cộng sản đông Dương, là người đảng viên Cộng Sản đầu tiên của quê hương Hoằng Lộc và Huyện Hoằng Hóa. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài đồng chí đã góp phần tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mac – Lê Nin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về quê hương, đất nước góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh theo khuynh hướng cộng sản.

Tại Huyện Hoằng Hoá đầu năm 1926 thông qua tuyên truyền cách mạng tư tưởng yêu nước của Hội việt nam cách mạng thanh niên, đồng chí Lê Hữu Lập( bí thư Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Thanh Hoá) đã tiến hành thành lập hội Thanh niên tại Huyện nhà. Sau một thời gian tuyên truyền vận động, từ hội đọc sách báo bí mật, tháng 2/1927 chuyển thành tiểu tổ Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 10/1927 tiểu tổ Việt Nam thanh niên mở chi điểm Hưng nghiệp hội xá để kinh doanh hàng nội hoá nhằm tạo điều kiện về tài chính cho hoạt dộng của Hội, vừa mở rộng tổ chức mới. Năm 1928 thông qua Hưng Hiệp hội xã tiểu tổ Việt Nam cách mạng thanh niên đã kết nạp thêm một số hội viên. Trong đó có đồng chí Lê trọng Nghi( em ruột đồng chí Lê Mạnh Trinh) làm cơ sở cho việc thành lập Hội cách mạng thanh niên Hoằng Hoá vào năm 1929. Từ đây Hoằng Hoá có tổ chức cách mạng hoạt động theo con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là mốc son lịch sử, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta. Từ đây cách mạng Việt Nam chấm dứt giai đoạn khủng hoảng về đường lối và cũng từ đó Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị cách mạng. Cũng trong thời gian này Xứ uỷ Đảng cộng sản Việt Nam trong đồng bào Việt Kiều tại vùng Đông Bắc Thái Lan cử đồng chí Lê Hữu Lập về Thanh Hoá để tổ chức thành lập các chi bộ đảng. tại Hoằng Hoá trên cơ sở 2 tổ chức Thanh niên và Tân việt, ngày 1/9/1930 Chi bộ Cự Đà được thành lập, đây là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại Huyện Hoằng Hoá. Sự ra đời của Chi bộ Cự Đà có ý nghĩa lịch sử quan trọng, nó đã phản ánh tinh thần cách mạng quật cường truyền thống cách mạng lâu đời, không sợ gian khổ hy sinh của nhân dân Hoằng Hoá trong đó có nhân dân xã Hoằng Lộc chúng ta.

Tại Hoằng Lộc, phong trào Việt Minh đã tác động mạnh mẽ trong lực lượng thanh niên, học sinh. Nhiều thanh niên, học sinh Hoằng Lộc đã tích cực tuyên truyền và tổ chức mua súng ủng hộ Việt Minh như: Nguyễn Thiện Nghị, Nguyễn Yến, Nguyễn Đức Sinh, Nguyễn Cứ, Nguyễn Quốc Bỉnh…đã vận động quần chúng bí mật chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đợi lệnh của Mặt trận Việt Minh và uỷ ban khởi nghĩa Huyện

Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa dành chính quyền ở huyện thắng lợi, chiều ngày 27/7/1945 nhân dân Hoằng Hoá biểu tình giải tán chính quyền xã, thu hồi đồng triệu của Lý Trưởng. UB dân tộc giải phóng ở xã ta ra đời, đồng chí Lê Trọng Nghi được chi bộ Đảng và Việt Minh Huyện cử về làm Chủ nhiệm Việt Minh Hoằng Lộc. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Trọng Nghi, các đoàn thể cứu quốc được thành lập, đội tự vệ được củng cố, tăng cường, các ban khởi nghĩa và UBND cách mạng lâm thời ở Hoằng Lộc được thành lập.

Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập. Tháng 4/1947 Hoằng Lộc trở thành một thôn của xã lớn gồm Hoằng Thành, hoằng Trạch, Hoằng Đại dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ đảng do đ/c Nguyễn Khắc B( quê Hoằng Châu, sau này là đồng chí Nguyễn Thị Thanh (vợ đ/c Tố Hữu) làm bí thư, ông Nguyễn Hiệp quê Hoằng Bột làm chủ tịch xã.

Hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “ Tấc đất, tấc vàng” từ đầu năm 1947 Hoằng Bột thành lập Ban tăng gia, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến, công tác xây dựng lực lượng đã được xã chú trọng. Thực hiện chủ trương của trên, lực lượng tự vệ, dân quân du kích Hoằng Bột đã ngày đêm giữ gìn trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu đánh giặc giữ làng.

Thông qua phong trào cách mạng của quần chúng, đặc biệt là hoạt động của Hội viên trong hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, nhiều quần chúng tích cực được kết nạp vào đảng cộng sản đông Dương. Ngày 13/10/1947 đồng chí Nguyễn Văn Sửu người đầu tiên đã được kết nạp trên quê hương Hoằng Lộc. Đến năm 1948 lần lượt các đồng chí Nguyễn Huy Mởn, Nguyễn Văn Tựa, cô giáo Hoàng Thị Bính đuơc kết nạp vào Đảng, nâng số đảng viên của thôn Hoằng Bột lên 4 đồng chí.

Tổ Đảng thôn Hoằng Bột đuợc thành lập trực thuộc Chi bộ xã Hoằng Lộc lớn do đồng chí Nguyễn Văn Sửu làm tổ trưởng.

Năm 1948, huởng ứng phong trào “Luyện quân lập công”, xây dựng lực lượng vũ trang do Tỉnh và Huyện phát động, Hoằng Bột đã tổ chức định kì “Đại hội tập dân quân”. Thông qua phong trào này một mặt lực luợng dân quân du kích Hoằng Bột nắm vững kĩ chiến thuật đồng thời tăng cuờng bổ sung lực luợng cho bộ đội chủ lực.

Thực hiện chủ trưong của Đảng về cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện”, Hoằng Bột đã triển khai cuộc vận động “Tuần lễ dân quân tự túc”, luyện tập vũ trang, tuần tra canh gác, hướng dẫn nhân dân sơ tán tránh giặc, đào hầm trú ẩn. Huớng dẫn, giúp đỡ đồng bào tản cư từ ngoài Bắc vào, từ thị xã Thanh Hoá đến. Vì là nơi đóng quân của Trung đoàn chủ lực Quang Trung và Quân khu IV nên Hoằng Lộc lúc này trở thành mục tiêu bắn phá của máy bay địch. Trước tình hình khó khăn trên, tổ Đảng Hoằng Bột đã nêu cao vai trò lãnh đạo, luôn chủ động giải quyết mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mặc dù đã có kế hoạch phòng tránh nhưng chúng ta cũng không tránh khỏi tổn thất, đó là ngày 19/5/1950 máy bay giặc Pháp đã  ném bom chợ Quăng gây nên tội ác đẫm máu, làm 49 ngưòi chết và 21 nguời bị thương. Bia đá trước Bảng Môn Ðình còn ghi mãi “Nhớ lấy thù này”.

Trải qua những năm kháng chiến Kiến Quốc (1947-1953), lực lượng Đảng viên Hoằng Lộc đã tích cực phấn đấu trong các phong trào, không sợ gian khổ hi sinh, nhiều đồng chí đã nêu cao tính tiên phong guơng mẫu, cống hiến công sức cho phong trào cách mạng địa phương.

Không những tham gia tích cực phong trào cách mạng tại địa phuơng, nhiều đồng chí của tổ Đảng đã tham gia quân đội trực tiếp chiến đấu. Trong đó, đồng chí Nguyễn Huy Thợi đã anh dũng hi sinh tại mặt trận Huế (năm 1948). Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Huy Thợi đuợc diễn ra ngay tại sân Bảng Môn Đình, đã thôi thúc nhiều người con Hoằng Lộc lên đuờng giết giặc lập công.

Đến tháng 10/1953, thực hiện chủ trưong kháng chiến của Uỷ ban kháng chiến tỉnh Thanh Hoá, từ xã Hoằng Lộc lớn được tách ra, Làng Hoằng Bột tiếp tục mang tên Hoằng Lộc. Như vậy chúng ta đã chính thức được mang tên Hoằng Lộc từ đó.

Ngay sau khi xã Hoằng Lộc đuợc thành lập, một sự kiện chính trị hết sức quan trọng đã diễn ra, đó là vào ngày 25/10/1953 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Hoằng Lộc chính thức đựơc thành lập. Đây là đại hội đầu tiên, được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Xuân Dưỡng (xóm Bái). Dự Đại hội có 54 đồng chí, Đại hội đã bầu Chi uỷ gồm 03 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Khử đuợc bầu làm Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Trọng Nhạc đuợc bầu làm Phó Bí thư – phụ trách công tác chính quyền, làm Chủ tịch xã và đồng chí Lê Huy Thụ là Chi uỷ viên phụ trách công tác tổ chức. Chi bộ vinh dự đuợc giữ tên Chi bộ Trần Phú (tên của Chi bộ Hoằng Lộc cũ). Như vậy, sau khi chia tách thành lập, xã Hoằng Lộc chúng ta đuợc mang tên xã lớn và Chi bộ Đảng tiếp tục mang tên Chi bộ cũ (Chi bộ Trần Phú).

Chi bộ Trần Phú xã Hoằng Lộc ra đời có ý nghĩa chính trị sâu sắc đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong kháng chiến, đồng thời đánh dấu buớc trưởng thành của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, xã Hoằng Lộc có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương, góp phần cùng cả nước đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.

Ngay sau khi thành lập, Chi bộ luôn quan tâm đến mọi mặt công tác, huy dộng nhân dân đóng góp sức ngưòi, sức của góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu).

Huởng ứng sôi nổi, các phong trào phát động kháng chiến, phong trào  “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”, phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, “Đảm phụ quốc phòng”, “Tạm vay thuế Nông nghiệp”, “Bán lúa khao quân”, phong trào “dân công tiếp vận”. Trong đó, thành tích nổi bật nhất là năm 1953 Hoằng Lộc đã đóng góp cho kháng chiến đuợc 2.200.000 đồng, là một trong 3 xã đóng góp xuất sắc nhất đuợc Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.

Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm luợc, Hoằng Lộc đã tiễn đưa 113 thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc, 34 thanh niên xung phong và hàng ngàn lượt người tham gia trong 13 đợt dân công hoả tuyến phục vụ chiến truờng, có 21 Liệt sĩ đã anh dũng hi sinh, 13 ngưòi đã để lại một phần máu xương trên chíên trường, đóng góp nhiều tiền của, luơng thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở ra cho Hoằng Lộc cùng nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới.

Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng Miền Nam. Từ năm 1954 – 1975, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân bước vào thời kỳ cách mạng mới, vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam..Thấu suốt quan điểm của Đảng và lời dạy của Bác Hồ “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ra sức xây dựng quê hương vững mạnh toàn diện, thực sự là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn.

Trên mặt trận sản xuất, mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân bám đồng, bám ruộng, tăng gia lao động sản xuất, đảm bảo đầy đủ lương thực, thực phẩm cho nhân dân, chi viện cho các chiến trường.

Thực hiện khẩu hiệu “ Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trung bình hàng năm cung cấp 80 tấn thóc, 20 tấn lợn hơi, trên 10 tấn lạc cùng nhiều nông sản, thực phẩm cho tiền tuyến lớn.

Bên cạnh việc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phong trào “ ba sẵn sàng” xung phong lên đường nhập ngũ ngày càng sôi nổi, có nhiều tấm gương tiêu biểu ở các thôn xóm, nhiều thanh niên là con độc nhất, nhiều người đang ngồi trên ghế nhà trường đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, nhiều đồng chí đảng viên tình nguyện tái ngũ. Có 4 gia đình có 4 người con nhập ngũ, 22 gia đình có 3 người con nhập ngũ, 98 gia đình có 2 người con nhập ngũ.

Tổng kết thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ tổ quốc, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tích cực đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Có 580 thanh niên tham gia bộ đội, 123 thanh niên xung phong, 13 đợt dân công với hàng ngàn lượt người được huy động chi viện phục vụ các chiến trường. Toàn xã có 223 liệt sỹ, hơn 105 thương, bệnh binh, 16 người nhiễm chất độc hóa học, 24 bà mẹ Việt nam anh hùng, tiêu biểu mẹ Nguyễn thị Sáo có 3 con trai và 1 con rể là liệt sĩ.

Đảng bộ và nhân dân Hoằng Lộc đã được Đảng và Nhà Nước tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhì, Cờ quyết thắng về thành tích 10 năm hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân và bằng “ Làng có công với nước”, 2 cán bộ lão thành cách mạng, 2 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng chục chiến sỹ thi đua và dũng sỹ diệt Mỹ, gần 900 Huân, huy chương kháng chiến các loại. Những phần thưởng cao quý trên một lần nữa khẳng định truyền thống cách mạng, một lòng một dạ đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, khẳng định lòng yêu nước, trí thông minh cần cù, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân xã nhà. Sự hy sinh xương máu, những đóng góp sức người, sức của của nhân dân xã Hoằng Lộc đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối.

Sau 1975 Đảng bộ và nhân dân xã nhà cùng nhân dân cả nước bước vào giai đoạn mới, thực hiện nhiệm vụ cách mạng: Xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt là từ năm 1986 chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đảng bộ cùng toàn thể nhân dân nhằm giải phóng sức lao động, tạo ra sức mạnh tổng hợp, khuyến khích động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nhà nước giao, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Hoằng Lộc lần thứ XX( 01/1991), cơ chế khoán mới, quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của HTX và của nhân dân  được phát huy, tiềm năng đất đai, tiền vốn của tập thể trong nhân dân được khai thác và sử dụng hợp lý. Nhờ thực hiện chính sách khoán mới thu nhập thực tế của hộ xã viên nâng lên đạt 30 – 35% sản lượng khoán. Sản lượng lương thực năm 1988 đạt 612 tấn, năm 1989 đạt 647 tấn, năm 1990 đạt 746,6 tấn.

Sau sự kiện Liên Xô và các nước Đông âu sụp đổ đây là giai đoạn khó khăn nhất cho nghề sản xuất Tiểu thủ công nghiệp ở Hoằng Lộc. Trước tình hình đó Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo giải quyết việc làm cho bà con xã viên, vận động bà con gia nhập HTX nông nghiệp, một số khác thì tổ chức thành những tổ hợp nhỏ sản xuất hàng tiêu dùng, nghề thợ, nghề mây tre đan và một số ngành nghề, dịch vụ khác, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Năm 1992 số hộ có đời sống khá là 30%, trung bình  40 – 55%, đến năm 1995 số hộ khó khăn giảm xuống còn 10%. 90% số hộ đủ lương thực, không còn tình trạng khó khăn trong lúc giáp hạt.

Song song với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, các lĩnh vực khác luôn được Đảng bộ quan tâm lãnh đạo. Phong trào xã hội hoá giáo dục ngày càng được mở rộng, hoạt động y tế, giáo dục luôn là lá cờ đầu trong Huyện, trong Tỉnh.

Để hoàn thành nhiệm vụ là hạt nhân lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ luôn xác định hiệm vụ “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng đảng là then chốt”. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ đó đã tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và ý chí hành động trong toàn đảng bộ.

Sau hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ Hoằng Lộc đã lãnh đạo nhân dân trong xã phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Là xã có cơ cấu kinh tế cân đối giữa nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, kinh tế Hoằng lộc ngày càng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. sản lượng lương thực tăng lên đáng kể, từ năm 1997 đến 2020 luôn đạt mức 1000 tấn/năm trở lên, tăng gấp 3 lần so với năm 1986. Các ngành, nghề phát triển đa dạng và phong phú, đặc biệt là nghề thợ mộc, thợ nề đã đem lại thu nhập đáng kể cho người lao động. Hoạt động dịch vụ - TM tiếp tục được mở rộng, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi ngày càng cao hơn trong nhân dân. Tổng giá trị phi nông nghiệp chiếm tới 2/3 toàn bộ giá trị thu nhập trong toàn xã. Từ năm 2006 – 2020, tiến hành sự nghiệp CNH – HĐH, Hoằng Lộc đã có bước chuyển mình vượt bậc; kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu hoàn thành 15/15 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao ngay trong năm 2020, trở thành đô thị vào năm 2025. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện đẩy mạnh các hoạt động văn hóa – xã hội. trong nhiều năm qua Hoằng Lộc luôn là một trong những xã thuộc tốp dẫn đầu của huyện về giáo dục. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Hoằng Hóa, từ một chi bộ đầu tiên có 54 đảng viên, đến nay đã trở thành một Đảng bộ lớn mạnh, với 12 chi bộ, với hơn 370 đảng viên. Đảng bộ xã Hoằng Lộc ngày càng trưởng thành về mọi mặt, không ngừng nâng cao về mọi mặt, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu, hoàn thành vai trò lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Nhờ sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sau hơn 30 năm đổi mới, Hoằng Lộc đã có bước chuyển mình vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, Đảng bộ nhiều năm liền được Huyện ủy công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, là tiền đề vững chắc để hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020 và nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Với truyền thống 67 năm thành lập Đảng bộ, chúng ta tự hào với truyền thống của quê hương. Trải qua những chặng đường gian khó mà đi lên. Chặng đường ấy đã cho chúng ta những bài học quý báu mà hôm nay chúng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hơn, đó là:

Một là: Nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Huyện ủy, chủ động xây chương trình công tác, kế hoạch sát với nhiệm vụ đại phương, tập trung những nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn.

Hai là: Thực hiện tốt qui chế dân chủ, coi trọng và không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân cả về chính trị, kinh tế, văn hóa; tăng cường khối đoàn kết toàn dân, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các phong trào quần chúng.

Ba là: Thường xuyên chăm lo xây dựng củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tổ chức và cán bộ.

Bốn là: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, vai trò của Mặ trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.

Năm là: Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương; gắn phát triển kinh tế xã hội với việc nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết chính sách xã hội nhằm tạo nên sự phát triển bền vững.

Trong niềm tin tưởng vào sự nghiệp Cách mạng, vào công cuộc đổi mới chúng ta mãi mãi biết ơn Đảng và Bác Hồ Vĩ đại, biết ơn những bậc lão thành cách mạng tiền bối, những người con ưu tú, những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh xương máu cho quê hương, đất nước. Biết ơn những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những cá nhân, gia đình có công với nước.

 Phát huy truyền thống vẻ vang 67 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã Hoằng Lộc sẽ viết tiếp những trang sử mới bằng tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng bộ và nhân dân đã giao phó, vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

  

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954