TÓM TẮT THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP 12 VỊ ĐẠI KHOA

Đăng lúc: 14:21:05 19/04/2019 (GMT+7)

TÓM TẮT THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP 12 VỊ ĐẠI KHOA

QUA CÁC TRIỀU ĐẠI XƯA CỦA HOẰNG LỘC

 

1.     Nguyễn Nhân Lễ (1460-1522)

          Sinh ra trong một dòng họ có truyền thống hiếu học ở làng Bột Thượng (nay là xã Hoằng Lộc). Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi hội, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 thời vua Lê Thánh Tông (1481) khi 21 tuổi. Ông là người đỗ đại khoa đầu tiên của 2 làng Bột. Làm quan trải 40 năm, qua 7 triều vua (từ Lê Thánh Tông đến Lê Cung Hoàng). Kinh qua các chức vụ từ Tri phủ Kim Động, Thọ Xương, Phú Bình … Niên hiệu Thông nguyên, Lê Cung Hoàng thăng chức Hiến sát xứ Sơn Nam, đức tính ông liêm khiết, cần mẫn được người đời ca ngợi. Ông mất năm Tân Tỵ, hưởng thọ 61 tuổi.

2.     Nguyễn Thanh (1506-1547)

Thời Lê Cung Hoàng ông gia nhập quân ngũ, sau rời quân về theo học Nho giáo. Khoa Tân Sửu (1541) niên hiệu Quảng Hòa, thời Mạc Phúc Nguyên ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ được bổ nhiệm chức Hàn lâm hiệu thảo, thăng giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn. Sau này quy thuận triều Lê Trung Hưng giữ chức Án sát phó sứ xứ Thanh Hoa. Ông giỏi chính trị, có tài thao lược, được bạn đồng lưu kính phục. Mất năm 40 tuổi (1547). Được truy tặng Thừa chính sứ, tước Văn Khê Bá.

3.     Nguyễn Sư Lộ (1519-năm mất không rõ)

Có dị tướng (2 hàng lông mày đỏ). Học vấn uyên thâm, thường ngồi chơi trên hòn đá bên đường. Học trò lớn nhỏ trong làng qua lại thường hỏi văn thơ, chữ nghĩa được ông aan cần giảng giải, nên người đời gọi là Sư Lộ (thầy ở đường). Năm Giáp Dần (1554) niên hiệu Thuận Bình Lê Trung Tông mở chế khoa thi hội, ông đỗ Nhất giáp đệ tam danh (Thám hoa). Được triều đình bổ nhiệm nhiều chức vụ phủ trán, sau thăng Hữu Thị lang Bộ lại, tước Đoan Phố Hầu. Rể và con cháu ông nhiều người đỗ đạt cao.

4.     Bùi Khắc Nhất (1533-1609)

Là con trai cụ Bùi Doãn Hiệp giám sinh Quốc Tử giám. Niên hiệu Chính Hòa Lê Anh Tông thi hương ông đỗ Hương cống. Chế khoa thi hội năm Ất Sửu đỗ Nhất giáp Tiến sĩ đệ nhị danh (Bảng Nhãn), khi đó ông 33 tuổi. Được triều đình giao nhiều chức vụ quan trọng: giám khảo trường thi hương Thanh Hóa, Thị giảng trong cung vua, Hình bộ hữu Thị lang, thăng Bộ hộ Thượng thư sau chuyển sang Binh bộ Thượng thư. Được triều đình cử dẫn đầu phái võ cùng Phùng Khắc Khoan dẫn đầu phái văn sang Trung Quốc hiệp thương tay ba.

Ông thọ 77 tuổi, làm quan 44 năm, qua 6 bộ trải 3 triều vua. Được bao phong Thái bảo đệ nhị các công thần, tước Văn Phú Hầu. Sau phong Trụ quốc thượng trật kiệt tiết công thần Phú Quận Công giao dân phụng sự bậc Phúc thần Đại Vương triều Nguyễn sau này tiếp tục phong Thượng đẳng Phúc thần giao dân phụng thờ.

5.     Nguyễn Cẩn (1537-1585)

Quê gốc trại Ba Tiêu, Thủy Nguyên, Hải Phòng định cư vào xã Bột Thái (Hoằng Lộc). Ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ thứ ba (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn, niên hiệu Diên Thành thứ ba thời Mạc Mậu Hợp (1580), nhà Mạc trao ông chức Hình khoa cấp sự trung. Nhưng triều Mạc lúc đó suy đốn nên  ông bỏ về Nam triều giúp vua Lê Trung Hưng, giữ chức chưa được bao lâu thì ông mất lúc 49 tuổi, khi đó chí nguyện chưa đạt.

6.     Nguyễn Nhân Thiệm (1534-1597)

Thuộc dòng dõi khoa bảng, khoa thi hương năm Đinh Mão ông đỗ Hương cống (1573), được triều đình bổ nhiệm quan chức, vừa làm quan vừa tự học. Khoa thi hội năm Quý Mùi (1583) ông đỗ Nhị giáp thứ nhất  (Hoàng giáp), được thăng chức  Hiến sát xứ Nghệ An. Năm 1591, chuyển về triều giữ chức Công khoa cấp sự trung rồi Lại khoa cấp sự trung, Thái thường tự khanh. Năm 1597, được cử làm phó sứ cùng chánh sứ Phùng Khắc Khoan sang nhà Minh (Trung Quốc) cầu phong vua cho vua Lê. Trên đường về nước ông lâm bệnh và mất tại trạm Phù Dung, Thiền Châu, Trung Quốc. Vua nhà Minh thương tiếc cử sứ đoàn đến viếng, kính cẩn đề linh vị: “Nam quốc sứ thần công linh vị”. Triều đình nhà Lê Trung Hưng truy tặng phong Tả Thị Lang tước Bá Nguyên Hầu. Tác phẩm của ông có bài văn bia Cầu Đường Bột khắc đá (hiện nay vẫn còn).

7.     Nguyễn Thứ (1572-năm mất chưa rõ)

Thân phụ là Thám hoa Nguyễn Sư Lộ, ông đỗ Hương cống năm 21 tuổi. Thi hội đỗ Đình Nguyên Hoàng giáp, giữ chức Hàn lâm viện hiệu lý, chuyển Thị giảng, thăng Thái thường Tự khanh. Ông mất khi tuổi còn trẻ, 2 con trai đều đỗ Hương cống thời Lê Trung Hưng.

8.     Nguyễn Lại (1581-năm mất chưa rõ)

Sinh trưởng trong dòng họ kế thế khoa danh, trước ông đã có 3 người đỗ đại khoa. Khoa Kỷ Mùi niên hiệu Lê Hoằng Định (1619) ông đỗ Hương cống, thi hội đỗ đầu Hoàng giáp. Làm quan đến Công bộ hữu Thị lang. Sang niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) được cử sang sứ nhà Minh (Trung Quốc), khi về thăng Lại bộ hữu Thị lang (1631) sau chuyển sang Bồi tụng phủ chúa dạy Thế tử. Ông mất ngày 21/4, được triều đình phong Dực vận Tán trị công thần, Đặc tiến vinh lộc kim tử Đại phu, tước Quế Lĩnh Hầu.

9.     Nguyễn Ngọc Huyền (1685-1743)

Thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, trước ông đã có 2 người đỗ nhất, nhị giáp Tiến sĩ. Ông và em là Nguyễn Ngọc Toản đều đỗ Hương cống niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) khi đó ông 18 tuổi. Niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 7 (1711) triều đình bổ nhiệm Tri huyện Thiên Thi rồi thăng chức Tham nghị xứ Sơn Nam. Khoa thi hội Tân Sửu (1721) ông dự hội thi đậu Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, thăng chức Hình khoa cấp sư trung, Đông các hiệu thư. Năm 1729, thăng Đông các học sĩ, Thái thường tự khanh, lĩnh đốc trấn Cao Bằng. Trải qua 7 năm dẹp yên giặc cướp về triều giữ chức Đô ngự sử đài, thăng Đông các Đại học sĩ, tước Thái Lĩnh Hầu, tả Thị lang Bộ Công, thăng Bồi tung rồi Tham tụng phủ Chúa. Khi đó vùng Cao – Lạng nổi loạn, ông được cử làm đốc trấn lần thứ 2. Dẹp yên, trở về triều ông lâm bệnh nặng và mất tại nhiệm sở, hưởng thọ 59 tuổi (24/7 năm Quý Hợi). Triều đình tặng phong Công bộ Thượng thư, chức Thái phó Trụ quốc Thượng trật, tước Thái Quận Công.

10.                         Lê Huy Du (1575-1835)

Hiệu là Lập Trại tiên sinh, là con thứ 2 của Hương cống Tri phủ Trung Thuận. Ông đỗ Hương cống thứ 3 khoa Ất Hợi, thi hội khoa Đinh Mùi (1785) đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Vừa nhậm chức Hộ khoa cấp sự trung, nghĩa quân Quang Trung nhập thành Thăng Long. Ông cùng triều đình Lê Chiêu Thống chạy lánh nạn, được giao nhiệm vụ đốc vận quân lương ở đạo Lạng Sơn. Khi triêu Lê thất bại, Lê Chiêu Thống chạy snag Trung Quốc, ông đưa mẹ già cùng gia đình đi lánh nạn nhiều nơi long đong, vất vả. Khi Nguyễn Anh lên ngôi vua, 2 lần mời ông ra cộng tác nhưng ông không ra. Lần thứ ba lại có chiếu mời, khi đó mẹ ông đã mất, ông ra nhưng chỉ nhận giáo chức. Triều Nguyễn bổ nhiệm là đốc học các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa, Hà Tây. Sau chuyển về Đốc học Quốc Tử giám triều Lê xưa ở phủ Hoài Đức. 11 năm sau cáo hưu về quê nhà mở trường dạy học. Ông đã đào tạo cho đất nước nhiều sĩ tử thành đạt cao, có tài, đức. Ông thọ 79 tuổi, trước khi mất có đọc 2 câu thơ: “Nhất sinh sự nghiệp quy hà xứ. Vạn thế khoa danh tại hậu nhân”.

11.                         Nguyễn Tôn Thố (1793-1843)

 Thuộc dòng họ Nguyễn Quỳnh. Năm 1824, đỗ Hương cống khoa thi Hương, niên hiệu Minh Mạng thứ 16. Năm Ất Mùi (1835) thi Hội đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Năm 1842, ông hộ giá vua Thiệu Trị Bắc tuần. Sau đó, giữ chức Hàn lâm viện biên tri, làm phúc khảo kì thi Hương trường thi Huế. Ông mất ngày 10/8 năm Quý Mùi, thọ 51 tuổi.

12.                         Nguyễn Bá Nhạ (1822-1848)

Hiệu Long Chân tiên sinh, là con trai tri huyện Yên Lạc Nguyễn Thận Tuyển. Thi Hội năm Quý Mão (1843), niên hiệu Thiệu Trị đỗ Nhị giáp Tiến sĩ thứ nhất (Đình nguyên Hoàng giáp) năm 22 tuổi. Năm Thiệu Trị thứ 4 bổ nhiệm chức Tri phủ Hàm Thuận. Năm 1848, niên hiệu Tự Đức thứ 2, ông bị bệnh nặng đột ngột và mất tại sở nhiệm khi mới 27 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc có câu đối viếng: “Nhân sinh bách tuế vi kỳ, bán chi bán hân quân mệnh bạc. Niên thiếu Tam nguyên cập đệ kỳ cánh kỳ sử ngã tâm bi”. 
Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954