Quá trình hình thành cộng đồng dân cư và làng xã

Đăng lúc: 08:57:21 02/12/2020 (GMT+7)

Hoằng Lộc là một vùng đất cổ, thuộc huyện Hoằng Hóa - nơi có tới 35 di chỉ - dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn. Cách di chỉ Hoằng Vinh - nơi tìm thấy trống đồng (Hêgơ loại I)chỉ hơn 2 km, hẳn rằng vùng đất Hoằng Lộc đã có con người cư trú từ thời văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2000 năm). Xưa kia, Hoằng Lộc có tên là Kẻ Vụt, nằm trong bộ Cửu Chân (Thanh Hóa), là một trong 15 bộ của nước Văn Lang thuở các Vua Hùng dựng nước.

Vào thế kỷ X, đất nước giành được độc lập, các làng xã dưới sự quản lý của Nhà nước Trung ương đã đổi tên nôm thành tên chữ Hán. Kẻ Vụt đổi thành trang Đường Bột gồm 4 dòng họ: Nguyễn, Bùi, Lê, Nguyễn. Đến thế kỷ XV, Hoằng Lộc có tên là Đà Bột, gồm hai làng Bột Thượng và Bột Hạ.

Khoảng cuối thế kỷ XV, làng Bột Hạ đổi thành Bột Thái. Tuy chia tách hai xã với bộ máy quản lý riêng biệt, nhưng thực tế vẫn là một khối cộng đồng dân cư bền vững, thống nhất với các hoạt động và lệ làng được hai bên cùng thực hiện như: cùng hội họp tại Bảng Môn Đình, thờ chung một vị Thành hoàng là Nguyễn Tuyên vị tướng quân thời nhà Lý… Do đó, tên xã cũng được gọi chung là làng Bột (hoặc Lưỡng Bột, Nhị Bột đều chỉ hai làng là một).

Theo tộc phả của các dòng họ lớn ở Hoằng Lộc cho biết: Đến thế kỷ XV, tại Đà Bột (Hoằng Lộc), đông đảo các dòng họ đã đến đây khai canh, lập ấp và dần dần xây dựng thành xóm làng trù phú. Quá trình xây dựng, phát triển làng xã cũng là quá trình xây dựng, phát triển các dòng họ ở Hoằng Lộc. Tính đến năm 2018, trong 72 dòng họ ở Hoằng Lộc, đã có nhiều dòng họ đến đây lập nghiệp từ nhiều vùng, miền khác như: Họ Nguyễn đến đây từ thế kỷ XV, là hậu duệ tướng quân Nguyễn Thuyên (triều Trần Nhân Tông 1278-1293) từ xứ Bắc vào; họ Nguyễn có nguồn gốc từ Định Quốc công Nguyễn Bặc (triều Đinh Tiên Hoàng) từ Ninh Bình vào đây đã 16 đời; họ Nguyễn có nguồn gốc từ Hoàng giáp Nguyễn Cẩn từ Hải Phòng (Thời Mạc); họ Ngô từ Hưng Yên (triều Lê Trung Hưng, đổi là họ Nguyễn - ở xóm Lay); họ Trịnh từ Sóc Sơn (Vĩnh Lộc) từ năm 1620 (triều Lê Thần Tông); họ Hoàng từ Nghệ An ra vào thời Bảo Thái (1720-1729); họ Đinh từ Ninh Bình tới lập nghiệp đã được 5 đời…

 

Trải qua quá trình cộng cư, các dòng họ ở Hoằng Lộc đã đoàn kết cùng khai phá đất hoang, cải tạo ruộng đồng, chống thiên tai, địch họa, phát triển sản xuất, tạo dựng xóm làng ngày một khang trang trù phú.

Thời nhà Nguyễn từ triều Gia Long (1802-1819) đến năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), hai làng Bột Thượng và Bột Thái thuộc tổng Hành Vĩ, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, nội trấn Thanh Hoa.

Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), hai xã Bột Thượng và Bột Thái lại được tái nhập thành xã mới là xã Hoằng Đạo (giữ tên Hoằng Đạo đến năm 1843).

Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hoằng Đạo lại tách thành 2 xã: Hoằng Nghĩa và Bột Hưng (thường được gọi chung là Hoằng Bột).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai xã Hoằng Nghĩa và Bột Hưng được sáp nhập với các xã Thịnh Hòa, Đoan Vĩ, Bình Yên thành xã Hưng Thịnh.

Ngày 6-1-1946, đúng vào ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai xã Hoằng Nghĩa và Bột Hưng được tách riêng ra để thành lập xã Hoằng Bột.

Đến tháng 4-1947, xã Hoằng Bột sáp nhập với các xã Bái Trung, Đại Bái để thành lập xã Hoằng Lộc (lớn). Hoằng Bột trở thành một thôn của xã Hoằng Lộc (lớn).

Cuối năm 1953, xã Hoằng Lộc (lớn) chia thành 4 xã: Hoằng Lộc, Hoằng Trạch, Hoằng Đại, Hoằng Thành. Hoằng Bột trở lại vị trí một xã và vinh dự được mang tên chính thức là Hoằng Lộc cho đến ngày nay.

Hiện nay, xã Hoằng Lộc gồm các thôn: Đình Nam, Bắc Nam, Hưng Tiến, Bái Đông, Đình Bảng, Đông Phú, Hưng Thịnh, Chùa, Đà, Sau, Lay, Đồng Mẫu.

Hoằng Lộc nằm ở phía Nam huyện Hoằng Hóa - một huyện có nền văn hiến lâu đời. Có câu phương ngôn rằng: Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa và thầy đồ Hoằng Hóa, thầy khóa Đông Sơn. Trong huyện, Hoằng Lộc là đất văn học lâu đời. Có thể vì lẽ đó mà từ thế kỷ XIX, giới nho sĩ Hoằng Hóa đã lập văn từ thờ KhổngMạnh và những bậc văn nhân của huyện ngay trên đất Hoằng Lộc.

Theo Thần phả, vua Lý Thái Tông, trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, đã đóng quân ở đây và mệnh danh vùng đất này là nơi “địa linh nhân kiệt”. Văn bia ở Văn từ huyện Hoằng Hóa đã khắc họa địa thế và vị trí đặc sắc của Hoằng Lộc: “Hình thế thì có núi Phong Châu làm án, có dòng sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng, sinh trưởng nhân tài anh tuấn... kẻ sĩ nhiều người đỗ đạt, danh tiếng lẫy lừng, đứng hàng đầu Châu Ái mà sánh chung cả nước”.

 



 

 

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954