VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO VĂN HÓA, VĂN NGHỆ Ở XÃ HOẰNG LỘC VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA CLB VĂN NGHỆ HƯƠNG QUÊ

Đăng lúc: 09:53:23 05/12/2020 (GMT+7)

 VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO VĂN HÓA, VĂN NGHỆ Ở XÃ HOẰNG LỘC VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA CLB VĂN NGHỆ HƯƠNG QUÊ

 

          Xã Hoằng Lộc vốn là vùng quê có truyền thống văn hóa nhất là phong trào văn nghệ quần chúng. Từ những thập kỷ  60, 70 của thế kỷ trước, phong trào múa hát trong các tầng lớp nhân dân trong các lớp thanh thiếu niên ở xã hoạt động khá tưng bừng, sôi nổi. Trong đó, phải kể đến đội tuồng, đội chèo, đội ca nhạc xung kích của xã suốt nhiều năm từng là niềm vui, niềm cổ vũ và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân quê hương Hoằng Lộc.

          Nhưng từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, cả miền Bắc tập trung toàn lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Bao trai làng hăng hái tòng quân lên đường giết giặc. Bao gái làng, người ở hậu phương đảm nhiệm, người đi TNXP, người dân công hỏa tuyến và phục vụ trên khắp các chiến trường. Cộng với điều kiện kinh tế cả nước trong thời chiến vô cùng gian khó nên trong bối cảnh này các đội tuồng, chèo và ca nhạc của quê hương từng “một thời vang bóng” đành “lặng lẽ” chia tay theo chân trai gái làng đi khắp ngả cùng những đoàn quân lên đường ra trận.

          Tuy nhiên, trong những năm tháng hào hùng ấy, các tốp ca xung kích của tuổi trẻ Hoằng Lộc vẫn được duy tri. Những tiếng hát, lời ca mộc mạc, nhạc cụ chỉ là cây sáo trúc, cây đàn măng đô lin, nhưng những diễn viên “ cây nhà lá vườn” đã góp phần không nhỏ, động viên, cổ vũ nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc cho đến ngày toàn thắng.

          Sau này, khi đất nước thống nhất, rồi cả nước bước vào công cuộc đổi mới, xóa bỏ quan liêu, bao cấp. Với nhiều lí do chủ quan và khách quan, thời điềm này phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Hoằng Lộc nói riêng và nhiều địa phương bạn nói chung đã gần như “suy giảm, thoái trào”. Hằng năm, chỉ vào dịp hôi thi, trại hè thanh thiếu niên thì may ra tổ chức được vài ngày tập luyện sôi động và với 2 đêm diễn. Người dân lúc này chỉ mong chờ thi thoảng có đoàn văn công tỉnh nhà, tỉnh bạn hoặc trung ương về diễn 2, 3 tối là vui lắm. Cả làng náo nức rủ nhau đi xem đông vui như trẩy hội. Thế mới biết, người dân quê tôi “đói” đời sống tinh thần đến mức nào.

         Có thể nói, trong những năm tháng ấy, người dân Hoằng lộc luôn khát khao mong chờ sẽ có một ngày quê hương mình lại xây dựng được một đội văn nghệ như “ngày xưa” ấy. Và nhất là giờ đây, khi cũng như nhiều xã bạn, Hoằng lộc đã và đang tiếp tục nâng cao đời sống dân trí của nông thôn mới, đặc biệt hơn nữa, Hoằng Lộc là một xã mà hiện có tới 10 di tích lịch sử văn hóa được nhà nước cấp bằng xếp hạng (3 cấp 2 Quốc gia và 7 cấp tỉnh) và hàng chục Nhà thơ Đại khoa, tạo nên quần thể “làng văn hóa, làng di tích” của Hoằng Hóa, tỉnh Thanh, thì yêu cầu cần có một đội văn nghệ nghiệp dư là nhu cầu bức thiết của nhân dân và xã hội.

           Chính trong thời điểm này thì CLB văn nghệ “Hương Quê” xã Hoằng Lộc đã hình thành và phát triển. Buổi đầu, cách đây hơn 4 năm là “sân chơi” của người cao tuổi do ông Nguyễn Văn Kỳ - nguyên chủ tịch UBND xã cùng 1 số bác tâm huyết như: Bích Sửu, Văn Thúy, Hữu Tứ, Duy Viện đứng ra sáng lập và là hạt nhân nòng cốt của đội. Sau do nhu cầu thưởng thức của đông đảo nhân dân, đội đã bổ sung nhiều “diễn viên trẻ, tài năng” như Hồng Việt, Cao Phương, Văn Trọng, Minh Hùng, Hồng Thắm. Đặc biệt nhất là các năm gần đây, xã đã và đang xây dựng thành công dàn trống hội với gần 20 “tay trống” trẻ già, trai gái và kiêm “ca sĩ múa hát”, cùng với đội múa Lân truyền thống của thôn Đồng Mẫu, đội nghi lễ Bảng Môn Đình của xã hợp thành CLB nghệ thuật dân tộc mang tên “Hương Quê”. Tuy nhiên, bên cạnh tốp dân ca chèo, ca trù, hát văn, đội luôn phát huy thế mạnh của tuổi trẻ với những ca khúc mới nhưng vẫn đậm đà dân tộc và có vũ đạo tạo sắc màu trẻ trung, sôi động và hấp dẫn. Như vậy, CLB nghệ thuật “Hương Quê” xã Hoằng Lộc gồm 5 bộ môn, đó là: dân ca, hát mới, trống hội, nghi lễ và múa lân.

           Điều phấn khởi và hạnh phúc nhất đối với anh chị em là được phục vụ bà con nhân dân, và sự động viên cổ vũ của đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương đã tiếp thêm niềm vui, niềm tin yêu trong công việc để mọi người trong đội càng thêm hăng say, gắn bó.

          Tuy mới thành lập nhưng ít nhiều CLB đã gây được tiếng “vang xa” trong huyện, thời gian qua đội đã phục vụ cho các xã bạn như Hoằng Tiến, Hoằng Thịnh, Hoằng Đồng, Hoằng Đại, được đông đảo khán thính giả và nhân dân các địa phương ngợi khen và hoan nghênh.

          Hành trang của CLB Hương Quê, xã Hoằng Lộc mới chỉ là bước đầu. Con đường phía trước hãy còn dài, dài lắm và đầy gian khó. Song, với tình yêu quê hương, niềm đam mê cháy bỏng của anh chị em CLB, sự xả thân quên mình như bác Kỳ, bác Sửu. ông Thúy, bà Thơ, chị Phương, anh Viện, anh Việt… cùng nhiều anh chị em diễn viên, và đặc biệt là sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo địa phương, sự động viên cổ vũ của cán bộ nhân dân, tin rằng: CLB sẽ trường tồn, phát triển, sẽ đi cùng năm tháng và luôn ngân vang tiếng hát quê hương.
VN.jpg

VN2.jpg
VN1.jpg
  VN2.jpg
VN3.jpg
VN4.jpg

(Một số hình ảnh của đội văn nghệ Hương Quê)

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954