BẢNG NHÃN BÙI KHẮC NHẤT niềm tự hào của quê hương HOẰNG LỘC

Đăng lúc: 10:49:52 19/04/2019 (GMT+7)

   BẢNG NHÃN BÙI KHẮC NHẤT niềm tự hào của quê hương HOẰNG LỘC

          Hoằng Lộc có truyền thống lâu đời về học hành khoa cử đã sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều quan lại có phẩm chất, có tài năng đóng góp lớn lao vào sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc. Qua các triều đại Lê - Mạc - Nguyễn, Hoằng Lộc đã có 12 vị được đề danh trong bảng vàng đại khoa, trong đó có 7 vị được khắc tên tại bia đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử giám (Hà Nội). Một trong 7 vị đó có bảng nhãn Bùi Khắc Nhất (1533-1609).

          Thân phụ của bảng nhãn Bùi Khắc Nhất là giám sinh Quốc tử Bùi Doãn Hiệp. Năm Giáp Tý (1564), Bùi Khắc Nhất đỗ Hương cống và năm Ất Sửu (1565) ông đỗ Đệ nhất giáp chế khoa cập Đệ nhị danh (tức bảng nhãn). Ông trải qua nhiều chức vụ: Hàn lâm viện hiệu lý, giám khảo trường thi Thanh Hoa, thị giảng ở trong cung…. Năm 49 tuổi, ông giữ chức Hình bộ Hữu thị lang, năm 1952 đổi sang Công bộ Hữu thị lang. Năm 1600, ông được phong Hộ Bộ thượng thư, sau đổi sang Binh bộ thượng thư. Năm 1603, ông được triều đình ban thưởng công thần.

          Với 44 năm làm quan tại 6 bộ, trải qua 3 triều vua, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ở cương vị nào ông cũng giải quyết công việc một cách trọn vẹn. Khi đất nước có chiến tranh tuy là một văn quan nhưng ông được triều đình tin cậy giao cho làm Thượng thư Bộ binh trong nhiều năm. Năm 1578, cùng với Thái phó Vinh quận công Hoàng Đình Ái ông đề xuất và chỉ đạo việc chôn đóng cọc ven núi Nông Sơn (thuộc Nga Sơn ngày nay), giữ nơi quan yểm, ngăn chặn sự tấn công xâm lấn của nhà Mạc khi Nam triều còn trong thế yếu. Năm 1580, ông cùng Thái phó Trào quận công Vũ Sư Chước đốc xuất quân sĩ lấy các bến cảng xung yếu ở Thanh Hóa đề phòng quân Mạc tiến công bằng đường biển…

          Năm 1592, khi nhà Lê Trung Hưng thắng Mạc, chuẩn bị trở về Thăng Long ông đang giữ chức Hữu Thị lang Bộ công được triều đình giao cho phụ trách sửa sang tu bổ lại cung điện, kho tang, thành lũy vừa bị binh lửa tàn phá. Chỉ 1 tháng sau công việc hoàn tất kịp nghênh đón vua Lê vào kinh thành ngự trị thất triều. Khi giữ chức Hữu thị lang Bộ hình ông trông coi việc xét xử việc ngục, không để xảy ra việc gì oan khuất, làm cho xã hội yên ổn, được người đời ca ngợi là thái bình thịnh trị. Dùng đức hiếu sinh để cứu vớt những người lầm lỗi là phương châm hành động của ông.

          Với những công lao đóng góp to lớn của ông, sau khi mất ông vẫn được các triều đại phong kiến sau này phong tặng nhiều danh hiệu lớn. Năm 1610, được phong Phú quận công, năm Bảo Thái thứ 3 (1724) được xếp là công thần trung hưng bậc nhì; năm Cảnh Hưng 43 (1782) được phong Thượng đẳng Phúc thần Tuy du hùng lược đạo vương, năm đầu tiên niên hiệu Gia Long triều Nguyễn (1802) ông được xếp bậc nhì công thần Trung hưng.

          Khu quần thể di tích đền thờ và lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất xã Hoằng Lộc huyện Hoằng Hóa đã được nhà nước xếp hạng công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia và cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy. 
Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954