Hà Duy Phiên: “Quan lại cao cấp, học giả uyên thâm”
Dù không đỗ đại khoa song lại ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp quan trường. Ông chính là Thượng thư Hà Duy Phiên - vị đại quan thời Nguyễn, dốc lòng phụng sự 3 triều vua.
Gần 200 năm trôi qua, hậu thế vẫn dành sự kính trọng, ngưỡng mộ đối với vị đại quan triều Nguyễn, Hà Duy Phiên.
Ông sinh vào cuối thế kỷ 18 trong gia đình có truyền thống học hành ở vùng đất học Hoằng Lộc (Hoằng Hóa). Niên hiệu Gia Long (năm 1819) Hà Duy Phiên thi đỗ Hương cống. Vào đầu thời Minh Mệnh, ông được bổ làm Tri phủ, sau đó là Tham hiệp Quảng Trị. Trước khi về triều làm quan, Hà Duy Phiên có khoảng 10 năm làm quan ở các địa phương. Đây cũng là khoảng thời gian ông có điều kiện gần dân, sâu sát dân, thấu hiểu lòng dân. Tuy nhiên, tài năng của vị quan đại thần triều Nguyễn lại thực sự tỏa sáng khi ông về kinh tham dự việc triều chính.
Sự nghiệp làm quan tại triều đình nhà Nguyễn của Hà Duy Phiên trải qua nhiều vị trí khác nhau. Theo sử liệu: Năm 1830, từ chức Tham hiệp Quảng Trị, Hà Duy Phiên được thăng lên Phủ doãn Thừa Thiên (có tài liệu viết Thự Phủ doãn Thừa Thiên). Cũng trong năm đó, ông lại được thăng giữ chức Hữu thị lang Hình bộ, quyền làm công việc Hộ bộ... Năm 1838 Hà Duy Phiên giữ chức Thượng thư bộ Công kiêm quản Tào chính. Đến năm 1839 là Thượng thư bộ Hộ, sung Cơ mật viện đại thần. Năm 1842 ông được vua Nguyễn tin tưởng giao trọng trách chủ khảo kỳ thi Hội. Đến năm 1843, Thượng thư bộ Hộ Hà Duy Phiên được sung Phó tổng tài Sử quán và năm 1844 là Thượng thư bộ Hộ, sung đại thần viện Cơ mật. Năm 1845 giữ quyền Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Thượng thư bộ Hộ kiêm coi công việc bộ Công. Đến thời vua Tự Đức, Hà Duy Phiên giữ chức Thượng thư bộ Hộ (kiêm Chưởng bộ Hình), sung vào Kinh diên giảng quan, Chủ khảo kỳ thi chế khoa...
Làm quan trải qua nhiều triều vua, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, tài năng của Hà Duy Phiên được “ghi dấu” trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự, giáo dục và cả sử học. Những dấu ấn ấy được chính sử nhà Nguyễn ghi chép khá chi tiết.
Năm Mậu Tuất (1838), Hộ đốc Bắc Ninh là Tôn Thất Bình tâu lên vua: “Kho thóc ở tỉnh chứa đầy mà thóc tô sẽ nộp mùa đông năm nay đến 60 vạn hộc, xin phát ra 3 vạn hộc giảm giá để bán”. Bấy giờ, vua Minh Mệnh đã cho hỏi Thượng thư Hà Duy Phiên, ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, rằng: “Không có việc mà bán ra, không ích lợi cho dân, huống chi trong khi xuất nhập, tệ gian sinh ra, sợ không tiện”. Nghe được lời trung ngôn ấy, nhà vua cho là phải”.
Đến thời vua Tự Đức, nhà vua muốn lập lại sổ sách điền địa để điều chỉnh tỷ lệ ruộng công, ruộng tư, trên cơ sở đó nhằm sửa đổi chính sách thuế ruộng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách triều đình. Khi Hà Duy Phiên được hỏi ý kiến, với tấm lòng thương dân, ông tâu rằng: “Đã cấp ruộng đất cho quân dân rồi, nếu vội lấy lại... sợ quân dân mất cách sinh sống”.
Còn trên lĩnh vực sử học, Hà Duy Phiên đã có công trong việc biên soạn bộ Liệt thánh thực lục - bộ chính sử của nhà Nguyễn biên chép hành trạng của các chúa Nguyễn từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào đất phương Nam mở cõi đến trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, giai đoạn này gọi là Đại Nam thực lục tiền biên. Dưới thời vua Thiệu Trị, quan đại thần Hà Duy Phiên lại góp sức vào việc viết bộ sách về điển chương, chế độ của nhà Nguyễn từ thời vua Gia Long.
Những ý kiến, đóng góp của ông không vì sự vụ lợi bản thân, mà hướng đến lợi ích của triều đình, của người dân. Vì thế vua Minh Mệnh đã khen: “Thượng thư Hà Duy Phiên gặp việc cố gắng, hằng ngày hết sức chăm chỉ, khó nhọc lâu mà không lười biếng...”. Còn vua Thiệu Trị cũng đánh giá cao về vị quan đại thần: “Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Hộ bộ Thượng thư Hà Duy Phiên... là bề tôi tài giỏi kỳ cựu, vốn có khí tiết trung thành... ra chuyên trách một địa phương đã có công với dân... dự hàng giúp việc trong triều thì giúp đỡ chính sự thiết thực...”.
Và dù chỉ đỗ Hương cống song Hà Duy Phiên lại là người có thực học xuất chúng. Trên con đường làm quan, ông được triều đình tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ liên quan đến khoa cử như chủ khảo, giám thí một số khoa thi Hội; đọc quyển kỳ thi Đình...
“Có thể nói, hoạn lộ của Hà Duy Phiên rất hanh thông. Đó là nhờ vào tài năng đặc biệt của ông. Làm quan trải 3 triều vua (Minh Mệnh, Thiệu Trị và những năm đầu Tự Đức), Hà Duy Phiên được xếp vào hàng những trọng thần của triều Nguyễn, là chỗ dựa tin cậy của các bậc quân vương” (sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa).
Năm Nhâm Tý (1852) Hà Duy Phiên mất ở quê nhà. Thương tiếc vị quan đại thần có nhiều công trạng, vua Tự Đức đã ban tặng ông Thiếu bảo, Văn Minh điện đại học sĩ, tên thụy là Văn Thận, cùng với đó còn cấp tiền và sai quan trong triều về làm lễ tế. Đến tháng 2 năm Mậu Ngọ, triều đình bàn xét chuẩn cho những bề tôi cũ được bày bài vị ở đền Hiền Lương, tất cả 39 người, trong đó có Thái tử Thiếu bảo, Văn Minh điện đại học sĩ, thụy Văn Thận Hà Duy Phiên (theo sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa). Và không chỉ được đương thời đánh giá cao, hậu thế về sau cũng nhìn nhận ông là một “quan lại cao cấp, học giả uyên thâm” (sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam).
Đầu năm 2024 Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Thượng thư Hà Duy Phiên đã được trùng tu.
Với người dân quê hương Hoằng Lộc, Hà Duy Phiên không chỉ là quan đại thần có quan nghiệp vinh hiển, mà còn được biết đến là người có công lớn trong việc tạo nên một “làng dừa” ngon nức tiếng một thuở.
Chuyện kể rằng, xưa kia trong dân gian Hoằng Hóa có câu ca lưu truyền, rằng “Dừa làng Nghĩa, mía làng Tào”. Trong đó, làng Nghĩa chính là Hoằng Nghĩa - tức xã Hoằng Lộc ngày nay. Vùng đất trước đây nổi tiếng vì có nhiều dừa, quả dừa thường to, ngọt nước. Người dân lưu truyền, giống dừa nơi đây cho ông Hà Duy Phiên khi đi làm quan ở miền trong đã mang về quê nhà để trồng, về sau người dân trong xã đã nhân giống lên trồng khắp làng trên xóm dưới. Điều này cũng được sách Hoằng Lộc đất hiếu học nhắc đến: “Ông Hà Duy Phiên đi làm quan ở miền Trung, mang giống dừa to sọ về quê, phổ biến rộng rãi trong dân làng... Dừa trồng trong vườn... xung quanh ao hồ, soi mình xuống mặt nước...”.
Về thăm Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Thượng thư Hà Duy Phiên, hậu thế có dịp được lắng nghe thêm nhiều chuyện kể về sự yêu mến mà người dân nơi đây dành cho người con xuất chúng của làng. Thắp nén tâm hương lên ban thờ tiền nhân, ông Hà Duy Phong, hậu duệ của vị quan Thượng thư bày tỏ: “Tôi là hậu sinh nhưng thường nghe các bậc cao niên trong họ kể lại, cả cuộc đời cụ (tức Thượng thư Hà Duy Phiên) tuy làm quan lớn, vinh hiển nhưng lại là người cần kiệm, sống thanh bần. Chính vì thế, đến khi cụ mất ở quê nhà, nơi thờ tự cũng thật đơn sơ. Trải qua thời gian, di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2024, được sự quan tâm của các cấp, ngành chuyên môn, di tích đã được trùng tu lại trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc cũ. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ một số đồ thờ, sắc phong qua các triều vua. Hằng năm, vào ngày 15 tháng Chạp, con cháu trong dòng họ lại tập trung về đây để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công với dân, với nước, làm rạng danh quê hương, dòng họ”.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Đại Nam thực lục; Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa; Hoằng Lộc đất hiếu học).
Bài viết: Khánh Lộc - Báo Thanh Hóa
- Chùa Thiên Nhiên tự trong lòng xã nông thôn mới kiểu mẫu
- Hà Duy Phiên: “Quan lại cao cấp, học giả uyên thâm”
- Nguyễn Nhân Lễ: Tiến sĩ “khai khoa” trên vùng đất học Hoằng Lộc
- Thám hoa Nguyễn Sư Lộ - “Người thầy dạy chữ ven đường”
- Phố cổ Đình Nam - Hoằng Lộc: Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
- TÓM TẮT THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP 12 VỊ ĐẠI KHOA
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp Tướng công Bùi Khắc Nhất
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Quỳnh
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Quỳnh
- BẢNG NHÃN BÙI KHẮC NHẤT niềm tự hào của quê hương HOẰNG LỘC