Chùa Thiên Nhiên tự trong lòng xã nông thôn mới kiểu mẫu

Đăng lúc: 10:42:46 25/11/2024 (GMT+7)

Xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) có nhiều điểm di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng. Trong đó, ngôi chùa Thiên nhiên tự (thường gọi chùa Nhờn) là nơi sinh hoạt tâm linh mang nhiều nét đặc trưng, tiêu biểu.

 

Vị trí

Chùa Nhờn có tên chữ là Thiên Nhiên tự, nằm trên đất xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 
20170424_153430.jpg

Lược sử

Qua văn bia còn được lưu trữ tại chùa cho thấy, chùa Nhờn có quy mô khá lớn, kiến trúc gỗ khang trang đẹp đẽ, có ruộng tự điền, tổng cộng 21 sào năm thước, có nhiều đời tăng ni trụ trì. Chùa là trung tâm sinh hoạt không chỉ là của Tăng ni, Phật tử mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng. 

Sau nhiều thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm biến đổi của lịch sử nên kiến trúc chùa bị hư hỏng nặng. Vào năm 1935, bằng tiền vốn của làng, cộng với sự hảo tâm của các nhà từ thiện gần xa, chùa lại được trùng tu trên nền cũ, xây dựng thành 3 cung như hiện nay. Lúc trùng tu chùa còn giữ được nhiều pho tượng quý, nhưng đến sau này, các pho tượng quý bị thất tán nhiều.

Trải qua nhiều bước thăng trầm, vật đổi sao dời, thiên tai và địch họa… chùa Nhờn bị hư hỏng nặng. Công trình kiến trúc gỗ của chùa bị mối mọt, hiện vật cũ trong chùa bị thất tán. Chiếc chuông chùa cũng phải vận chuyển cất giấu nhiều nơi và bảo quản không tốt nên âm thanh chông đồng không còn vang vọng như thuở ban đầu.

Sau hòa bình lập lại, chùa được giao cho tổ chức xã hội từ thiện trông coi và đang từng bước được trùng tu, tôn tạo. Năm 1994, chùa Thiên Nhiên đã được cấp bằng xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Chính quyền và địa phương cùng với tấm lòng hảo tâm của nhân dân trong xã và du khách thập phương đã sửa lại chùa, tô được tượng Thích ca bằng đồng, đúc chuông đồng …

Trải qua thời gian, chùa Nhờn vẫn còn lưu giữ được những hiện vật cổ, có giá trị như: tấm Bia đá; chiếc khánh đá; tòa Hậu cung; giếng chùa; Tượng Nam Tào. Ban quản lý di tích chùa Nhờn vận động nhân dân và tiếp nhận lại một số hiện vật cũ của chùa còn thất lạc trước đó.

Chùa Nhờn hiện nay có Tam Quan; có bia đá; có tượng Phật… Kiến trúc chùa được xây dựng trên nền móng chùa xưa.

Qua cổng Tam quan chùa là bức bình phong cao 1,55m, rộng 2,5m; phía trên cuốn vòm, trang trí bằng cách đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Bên phải là chiếc khánh đá được làm từ thế kỷ XVII, trong thời kỳ trùng tu lại chùa (1634), khánh đá cũng được trang trí hoa văn bằng những bông hoa cúc trông rất uyển chuyển mềm mại.

Chùa Thiên Nhiên tọa lạc ở phía nam làng, trên thế đất phúc địa. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân nơi đây. Họ đến chùa lễ Phật không những quan tâm đến giáo lý và lời răn dạy của Đức Phật mà còn muốn được tĩnh tâm, học tập, tiếp thu đạo đức từ bi, bác ái của nhà Phật. Các hoạt động văn hóa và những việc làm công đức của người dân nơi đây và du khách thập phương đang làm cho vùng đất Hoằng Lộc, trong đó có ngôi chùa Thiên Nhiên ngày càng khang trang tươi đẹp, góp phần tô đẹp thêm quê hương xứ Thanh.

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC  20170424_153441.jpg
  • Chùa Thiên Nhiên tự còn lưu giữ một số hiện vật cổ, trong đó có tấm bia đá và khánh đá đã nhuốm màu thời gian.
  • bia.jpg
  • khánh.jpg
Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954