Di tích LS-VH Quốc gia Bảng Môn Đình
Giới thiệu về di tích LS-VH Quốc gia Bảng Môn Đình
Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc là ngôi đình nổi tiếng nhất huyện Hoằng Hóa. Đình được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV), tọa lạc trên một khuôn viên rộng, mặt quay về hướng nam, phía trước là một bãi đất bằng phẳng và rộng rãi gồm một tòa đại đình chạy ngang và nối từ gian giữa ra phía sau là một tòa hậu cung chạy dọc theo bố cục chữ Đinh. Ban đầu, Đình nhỏ hẹp, với phong trào khoa bảng văn học phát triển Đình từng bước được trùng tu tôn tạo, mở rộng. Theo tài liệu để lại, niên hiệu Cảnh Hưng thứ năm (1743), thời Lê Trung Hưng trong xã có cụ Nguyễn Điền đỗ Hương cống, khoa Tân Sửu làm án sát xứ Nghệ An về hưu. Được quan thân, hương lý và nhân dân trong xã giao cho ông đứng trông coi, trùng tu, tôn tạo Bảng Môn Đình rộng lớn đủ làm nơi hội tụ cho giới khoa bảng. Sang triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ hai (1908) Đình lại được trùng tu, nhưng ba mặt còn để trống và lợp lá kè. Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 8 (Quý Dậu-1932), lần này Đình được trùng tu xây cất 3 mặt lợp ngói và trang trí đẹp đẽ, nay còn giữ được và tiếp tụ củng cố tu sửa. Tuy là ngôi đình nhưng ngoài chức năng hội họp bình thường của cộng đồng làng xã, đây còn là nơi hội họp của hội Tư văn, nơi đón nhận chúc mừng những người đỗ đạt của cộng đồng mà trong đó có mười hai Tiến sĩ vinh quy về làng cùng hàng trăm hương cống, tú tài trong đó có nhiều vị khoa bảng nổi tiếng tài năng, nhân cách chính trực, thanh liêm. Nghĩa là đình được kiêm thêm chức năng của một văn chỉ. Nó ra đời trên mảnh đất có truyền thống học hành khoa bảng nên đã được nhân dân địa phương đặt cho tên gọi rất đẹp: Bảng Môn (cửa vào của các nhà khoa bảng). Đây là nơi diễn ra sự phân chia đẳng cấp rất cụ thể, trọng danh hơn trọng hoạn, trọng tuổi hơn trọng sắc, (trọng người đỗ đạt có học vị hơn người phẩm trật, quan tước). Đình Bảng Môn đã được công nhận là di tích văn hóa cấp Quốc gia năm 1990.
Đình Bảng thờ Thành hoàng của làng là Nguyễn Tuyên, một vị tướng có công bình Chiêm dưới thời nhà Lý. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao một công thần, vua Lý Thái Tông đã ban phong thần hiệu, sắc phong: Thượng đẳng đại vương linh thần. Cấp tiền lập đền thờ (tức miếu đệ tứ) giao dân phụng sự.
Đi từ cổng chính vào Đình, phía bên trái đình là tấm đá tục truyền ngày xưa cụ Thám hoa Nguyễn Sư Lộ ngoài giờ dạy học trong nhà, thường ngồi nghỉ. Những sĩ tử trong vùng hoặc người qua đường thường đến hỏi cụ những điều còn nghi ngờ hoặc để mở mang học vấn và đều được cụ ôn tồn chỉ bảo tường tận
Đình Bảng Môn không chỉ là một ngôi đình làng thuần tuý mà còn là một bảo tàng nghệ thuật kiến trúc gỗ còn lại gần như duy nhất đại diện cho di sản kiến trúc gỗ của Việt Nam trong thế kỷ XVII trên đất Thanh Hóa. Các lớp văn hóa chồng xếp ở đình Bảng Môn được thể hiện qua kiến trúc chạm khắc: Lớp thế kỷ XV-XVI với đường diềm trang trí bao quanh mặt cửa nhà Hậu cung kiểu y môn trước các điện thờ giống như ở chùa Keo, chùa Bút Tháp thế kỷ XVIII, nhưng phong cách chạm khắc thô ráp, hình họa rất ngộ nghĩnh, sống động, hồn nhiên đậm yếu tố dân gian hoặc lớp thế kỷ XVII ở tại nội thất nhà Hậu cung có chạm khắc trên cột, xà ngang, hoành, đặc biệt là kết cấu vì nóc với các hình tượng chim phượng, cá hoá rồng, hoa cúc, sen, trúc với phong cách tinh tế, hình nét cầu kỳ, hoa mỹ hay lớp thế kỷ thứ XIX XX. tại nhà tiền đường có nội dung tứ linh, tứ quý nhưng mang phong cách khỏe khoắn, mạnh mẽ, sung mãn, khối tạc có diện tích lớn.
Đặt trong bối cảnh đương thời, Đình Bảng Môn được xem là trung tâm biểu hiện đạo học của làng. Chính tại đình làng, mỗi khi có tân khoa Trạng đỗ đạt thì việc đón rước trở thành một lễ hội suy tôn Nho học đặc biệt, họ làm lễ tại đình trước khi yết bái ông cha. Như vậy, Bảng Môn Đình sớm có bóng dáng một trường làng cổ xa của Việt Nam. Ở Kinh Đô có Quốc tử giám; ở tỉnh có Trường thi. Đây là một điểm rất đặc biệt ở đình Bảng Môn. Khái niệm đình làng giờ hoà nhập, lưỡng hợp với khái niệm đền thờ, khái niệm trường làng.
- Hà Duy Phiên: “Quan lại cao cấp, học giả uyên thâm”
- Phố cổ Đình Nam - Hoằng Lộc: Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
- TÓM TẮT THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP 12 VỊ ĐẠI KHOA
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp Tướng công Bùi Khắc Nhất
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Quỳnh
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Quỳnh
- BẢNG NHÃN BÙI KHẮC NHẤT niềm tự hào của quê hương HOẰNG LỘC
- Di tích LS-VH Quốc gia Bảng Môn Đình
- CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VH TRÊN ĐỊA BÀN XÃ