Phố cổ Đình Nam - Hoằng Lộc: Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Đăng lúc: 22:55:15 08/12/2021 (GMT+7)

(Baothanhhoa.vn) - Mấy ai biết được rằng, ngay trong lòng xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) có một khu phố cổ Đình Nam (nay là thôn Thành Nam) được quy hoạch, xây dựng khoa học, hợp lí với những dãy nhà gạch, mái ngói khang trang, kiên cố, san sát bên nhau, sôi nổi bán buôn, phong phú văn hóa – văn nghệ từ những năm 41, 42 của thế kỷ trước. Giờ đây, giữa nhịp sống hiện đại, khu phố cổ không còn giữ được diện mạo, vị thế như xưa nhưng những ký ức, kỷ niệm dưới nếp nhà xưa cũ vẫn được thế hệ con cháu lưu giữ, bảo tồn với tất cả sự trân trọng, lưu luyến.

 

 

 

177d6195530t13545l0.jpg
Tuy diện mạo phố cổ Đình Nam đã có nhiều thay đổi nhưng giá trị truyền thống, ký ức, kỷ niệm vẫn còn được lưu giữ trong mỗi nếp nhà, khắc ghi trong lòng thế hệ cháu con nơi đây.

Lần tìm trong các tư liệu lịch sử, ngược dòng thời gian về lại mảnh đất Lưỡng Bột xưa (Hoằng Lộc bây giờ), nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên, tấm tắc trước sự hình thành và phát triển của khu phố cổ Đình Nam. Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc – người am hiểu chuyện kim, cổ của xã Hoằng Lộc cho biết: Sự ra đời của phố cổ Đình Nam xưa gắn liền với công lao của ông Nguyễn Trác – người con của xã Hoằng Lộc, khi ấy giữ chức Tỉnh trưởng Thanh Hóa. Vì tấm lòng luôn nhớ tới nơi “chôn nhau cắt rốn” nên ông có ý tạo điều kiện cho quê hương, bản quán củng cố trường học và chợ, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống bà con nơi đây.

Khi đó, Hoằng Lộc đã có chợ Quăng, ở trước miếu Đệ Tứ và Bảng Môn đình, hoạt động buôn bán nhộn nhịp, thu hút không chỉ cư dân trong làng, xã mà các vùng lân cận cũng đổ về. Vì thế, vị trí, quy mô của chợ đã không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân nên đặt ra yêu cầu bức thiết phải mở rộng chợ. Tuy nhiên, cũng như bây giờ, việc mở rộng chợ, giải phóng mặt bằng vẫn thường gây khó khăn, vướng mắc, đau đầu các nhà quản lý. Trước bối cảnh ấy, ông Nguyễn Trác đã cho phép di chuyển chợ Quăng vốn nằm ở trước miếu Đệ Tứ, gần Bảng Môn đình về cồn Mã Hàng (xóm Đình Nam cũ).

Để có đủ tiềm lực xây dựng chợ mới khang trang, rộng rãi, xứng tầm với cái danh giá của làng, xã, đáp ứng đủ nhu cầu, nguyện vọng của tiểu thương và bà con Nhân dân, ông Nguyễn Trác đã cho phép chính quyền địa phương quy hoạch đất xung quanh khu vực chợ, phân lô bán cho người dân. Được biết, thời điểm đó, chính quyền địa phương quy hoạch khoảng 150 lô đất, mỗi lô có chiều rộng khoảng 7m, chiều sâu khoảng 20m. Tuy nhiên, những người mua đất ở khu vực này phải đáp ứng điều kiện rất cao, đó là: Phải cam kết xây dựng nhà gạch, mái ngói và hoàn thiện trong vòng 1 – 2 năm. Với điều kiện, hoàn cảnh lúc bấy giờ, phải những hộ gia đình thực sự có tiềm lực kinh tế, có địa vị xã hội mới đủ điều kiện mua đất, xây dựng được một căn nhà gạch, mái ngói trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Do đó, những cư dân của khu phố cổ Đình Nam phần lớn là hộ giàu có, có địa vị trong làng, xã. Mặc dù tiêu chí khắt khe nhưng các lô đất nhanh chóng được bán hết, nhà cửa san sát mọc lên, diện mạo và đời sống dân cư khu phố cổ từng bước được hình thành. Chỉ trong vòng 1, 2 năm, cồn Mã Hàng từ một khu vực hoang vu đã hình thành khu phố cổ với nhà gạch, mái ngói, chia thành 3 dãy: Đông, Tây, Bắc như vòng cung ôm lấy chợ.

Cùng với sự hình thành của khu phố cổ Đình Nam, chợ mới cũng ngày càng phát triển, nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua. Chợ được xây dựng khang trang, có đình to, phân thành các khu vực bán hàng: hàng xén, đồ gia dụng, vải vóc, lương thực, thực phẩm, hàng mây, tre, đan, lâm thổ sản... Các mặt hàng bày bán ở chợ không chỉ có sản vật địa phương mà có cả hàng hóa nhập từ chợ tỉnh, ngoài Thăng Long, Nam Định, xứ Tàu đưa về... Một phần không thể thiếu, lúc nào cũng thu hút đông đảo người ghé qua, làm nên sức hấp dẫn của chợ quê, đó là khu ẩm thực.

“Nhất cận thị”, các hộ gia đình ở khu phố cũng nhanh nhạy tận dụng, phát huy lợi thế này, vừa sinh sống vừa kết hợp kinh doanh, buôn bán tại nhà với đủ thứ nghề, đủ thành phần. Nào là cửa hiệu thuốc bắc của ông thầy Bợt, ông Hạp Hơn, ông Trịnh Chu Trinh, ông Hội Cừ, ông thầy Tụy; những cửa hiệu thuốc tây của ông Nguyễn Thiện, ông Bảng; tiệm sửa đồng hồ kiêm chủ hiệu sách, hiệu chụp ảnh, may đo, làm chè lam, kẹo lạc, bánh khảo đậu xanh, hiệu cơm... cho đến cả những quán phở vốn được xem như “thức quà xa xỉ”. Chẳng nói đâu xa xôi, muốn hiểu hơn về đời sống vật chất, tinh thần, sự phát triển của một vùng đất thì chỉ cần một lần ghé thăm chợ làng nơi đó cũng đủ hiểu một phần nào. Phố cổ Đình Nam đã một thời hưng thịnh, sầm uất, mang dáng dấp của một khu đô thị, trung tâm thương mại như thế.

Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, phát triển kinh tế, người dân khu phố cổ Đình Nam còn chăm lo cho đời sống tinh thần. Họ sống vui vẻ, hòa thuận, thân tình với nhau trong tình làng, nghĩa xóm, nếp sống văn hóa. Họ thường tổ chức sinh hoạt văn hóa – văn nghệ tại khu phố nhằm giao lưu, kết nối với nhau hơn.

Trải qua biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, phố cổ Đình Nam đã không còn diện mạo, không khí như xưa. Chợ Quăng dần thưa vãn người, thu hẹp phạm vi, sau đó chuyển về khu vực phía sau Bảng Môn đình như hiện tại. Những cư dân đầu tiên của khu phố đã thành người thiên cổ. Nhiều ngôi nhà với mái ngói, bức tường rêu phong nhuốm màu thời gian đã được cải tạo thành những ngôi nhà tầng, nhà mái bằng cho phù hợp với bối cảnh hiện đại; nhiều ngôi nhà đã đổi chủ. Tuy nhiên, những ký ức, kỷ niệm về một giai đoạn phố cổ Đình Nam phát triển, nhộn nhịp vẫn còn in hằn đậm sâu trong lòng nhiều thế hệ con cháu nơi đây.

Ghé thăm gia đình ông Trịnh Như Bá (80 tuổi, thôn Thành Nam, xã Hoằng Lộc), con trai của ông Trịnh Chu Trinh – một trong những cư dân đầu tiên của khu phố cổ Đình Nam để thấu hiểu tấm lòng con cháu mong muốn gìn giữ truyền thống gia đình, quê hương. Được xây dựng từ năm 1942, dẫu qua bao nhiêu năm tháng, ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Như Bá vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ từ thời cha ông để lại. Ông Trịnh Như Bá kể lại: “Ngôi nhà này là do ông Trịnh Chu Trinh – bố của ông xây dựng nên. Ông Trinh xưa làm nghề thầy thuốc đông y có tiếng, từng được triều Nguyễn mời vào Huế chữa bệnh cho quan lại. Số tuổi của ngôi nhà này chính bằng tuổi đời của ông Bá”. Có nhiều người từng hỏi ông: Sao con cái cũng đã trưởng thành rồi, có điều kiện hơn mà không sửa sang hay làm lại căn nhà cho mới mẻ? Nhưng với ông Bá: “Nhà không phải chỉ để ở mà còn là ký ức, kỷ niệm. Ngôi nhà đã lưu giữ nhiều ký ức tuổi thơ, kỷ niệm buồn vui bên gia đình, người thân nên tôi luôn trân trọng, gìn giữ. Có thay đổi, có hiện đại bao nhiêu mình cũng nên giữ lấy truyền thống gia đình, lề thói quê hương”.

Tâm niệm của ông Bá cũng chính là tâm niệm của nhiều thế hệ cháu, con khu phố cổ Đình Nam xưa. Mặc dù xa quê đã nhiều năm nhưng anh Lý Nguyên Hải vẫn luôn đau đáu nhớ về nguồn cội, nhớ về khu phố cổ Đình Nam một thời. Bởi nơi đó, anh Hải vẫn còn người mẹ già – bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa sống cùng người em gái trong căn nhà được xây dựng từ năm 1942, trong khu phố cổ Đình Nam. Anh Hải cho biết: Ngôi nhà ấy vốn là của ông ngoại – ông Hàn Thiệp, làm nghề dạy học rồi trao truyền lại cho các thế hệ sau. “Đó là kỷ vật vô giá mà tôi và gia đình luôn mong muốn gìn giữ”.

Diện mạo phố cổ Đình Nam nay đã khác xưa nhiều. Nhưng từng ký ức, kỷ niệm về một thời đã xa ấy vẫn còn vang động trong tâm trí của các thế hệ cháu con khu phố cổ nói riêng, người dân xã Hoằng Lộc nói chung. Hơn tất thảy, dẫu có biến chuyển bao nhiêu, những giá trị truyền thống nơi đây vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn, phát huy, đó là: bản tính chăm chỉ, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, nếp sống văn minh, tinh thần hiếu học, nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương, đất nước... Phố cổ Đình Nam không đơn thuần là một địa danh, tên gọi trong lịch sử làng, xã mà hơn hết, nó là niềm tự hào, là bến đậu, nẻo tìm về của những tâm hồn tha thiết yêu quê hương.

Bài và ảnh: Hương Thảo (Báo Thanh Hóa)    

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954